Dear các cô,
Tôi viết bài này trong tình trạng đang xem xét lại cách chi tiêu của mình trong vòng 10 năm vừa qua kể từ khi bắt đầu tự kiếm tiền. Trong 10 năm, có những giai đoạn tôi kiếm rất khá so với bạn đồng lứa, cũng có những giai đoạn eo hẹp (ví như hiện tại) và nó cũng ảnh hưởng tức thì tới cách chi tiền ở từng giai đoạn của tôi (tất nhiên đó là do tôi chi tiêu ko có kế hoạch nên mới dễ bị đồng tiền làm ảnh hưởng như thế). Sau 10 năm khi nhìn lại cả một quá trình, tôi mới thấy có những thứ lẽ ra không nên mua làm gì cho phí tiền, và có những thứ lẽ ra nên tiết kiệm tiền để mua. Nếu dồn số tiền đã lãng phí lại để mua những thứ nên mua thì thực ra là dư sức và khôn ngoan hơn nhiều.
Vậy nên bài này viết cho các cô với hy vọng mỗi cô sẽ cảm thấy hữu ích trong việc quy hoạch lại chi tiêu ngắn hạn, dài hạn của mình để mỗi đồng bỏ ra đều xứng đáng, ko bao giờ phải tiếc nhé.
Tất nhiên, vẫn phải nói trước rằng mỗi người mỗi khác, về tính chất công việc, thị hiếu và ưu tiên khác nhau nên bài này không nhằm dập khuôn cho tất cả phụ nữ. Tôi chỉ chia sẻ những trải nghiệm và cân nhắc của mình, nếu cô thấy hợp lý thì có thể cân nhắc khi quy hoạch chi tiêu của bản thân.
1. Đồng hồ đeo tay:

Thứ mà tôi cảm thấy đáng đồng tiền bát gạo nhất mà tôi từng mua là một chiếc đồng hồ loại tốt. Tốt ở đây có nghĩa là mỗi lần đeo vào, cô sẽ lập tức cảm thấy tự tin hơn hẳn và chuyên nghiệp hơn hẳn. Tốt nghĩa là kiểu dáng và thương hiệu của nó sẽ không bao giờ lỗi thời.
Vì sao lại là đồng hồ mà ko phải là những item khác như Iphone/ túi hiệu/ giày hiệu/ vòng cổ lắc tay?
Một là vì đồng hồ tạo ấn tượng cô là người chuyên nghiệp, có khái niệm về thời gian. Nói cách khác, thời gian là một thứ rất giá trị đối với cô, nên cô chỉ dành thời gian cho những người và việc xứng đáng – điều đó khiến đối phương có cảm giác được tôn trọng và tôn trọng lại cô. Nếu cô xài những item khác sẽ khó mà tạo ra được ấn tượng kiểu đó. Vậy nên trong ngắn hạn, cô sẽ cảm thấy tự tin, chuyên nghiệp, tự ý thức rõ về bản thân hơn, và trong dài hạn khi cô làm việc với những người có quyền lực, địa vị, chiếc đồng hồ đủ tốt sẽ giúp cô không cảm thấy lạc quẻ giữa xã hội nhỏ của họ.
Thứ hai là vì, trong xã hội ngày nay, chơi đồng hồ mới khác biệt, chơi túi hiệu/ giày hiệu/ Iphone/… đã quá phổ thông rồi. Hơn nữa, những thứ kia chỉ tạo cảm giác khoe tiền, nên đôi khi nếu trang phục không ăn nhập (quá tồi tàn/ quá phô trương so với món đồ đó) thì đối phương thậm chí có thể đánh giá cô là hạng giàu xổi hoặc cố làm mẽ, hoặc thậm chí nghĩ rằng cô xài hàng fake. Nhưng nếu cô chơi đồng hồ, dù cô có mặc cái gì đi chăng nữa cũng không sợ lố lăng – bởi vì họ sẽ nhìn nhận cô thuộc dạng người coi trọng thời gian thay vì chỉ coi trọng tiền, loại cô ra khỏi nhóm giàu xổi khoe mẽ, và khi đó cô có ăn mặc thoải mái một chút thì đối phương cũng sẽ chỉ nghĩ là cô giản dị, không khoe khoang mà thôi. Ngay cả khi cô xài ô tô cũng chưa chắc đã khiến đối phương phải nhìn cô bằng ánh mắt khác như vậy – chuyện này tôi đã từng trải nghiệm khi có lần ngồi một chiếc xe sang của một vị để đi vào một chỗ khá là private và bị gác cổng giữ lại để hỏi đến đó làm gì, sau đó vị này hạ cửa xe xuống và gác tay lên chỗ cửa xe, để lộ chiếc đồng hồ, gác cổng lập tức gật đầu mời vào mà không cần nghe câu trả lời gì nữa. Trong trường hợp này, tay gác cổng chưa chắc đã là người có tiền, nhưng anh ta đủ hiểu biết.
Kể ra trường hợp đó cũng để nhấn mạnh rằng không phải ai cũng biết đánh giá người khác qua chiếc đồng hồ – thực tế là chỉ có những người mà thời gian của họ chính là tiền, và những người thực sự hiểu biết, thì mới để ý đến chi tiết này. Nhưng thực ra tôi thấy, nếu đối phương không thuộc một trong hai dạng này thì cô căn bản không cần quá để ý xem họ đánh giá mình ra sao, miễn cô thoải mái là được.
Tôi hiện tại chưa thật sự cần gây ấn tượng với ai cả, nhưng tôi thấy cảm giác chuyên nghiệp và trân trọng đối phương là một điều cần thiết khi đi làm lẫn khi hẹn hò. Vậy nên chiếc đồng hồ gần như không bao giờ rời tay. Ngay cả trong ngày cưới, chuyên viên makeup đã yêu cầu tôi bỏ đồng hồ, nhưng tôi vẫn từ chối, bởi vì càng là dịp trọng đại tôi càng thích đeo. Tôi cảm thấy đồng hồ trang trọng hơn bất cứ thứ trang sức đeo tay nào khác. Kể cả lúc hẹn hò, tôi cũng sẽ cân nhắc đeo hay không đeo, tùy vào mức độ tôi coi trọng đối phương tới đâu, bởi vì lười ra ngoài lắm nên không phải ai tôi cũng chịu gặp, nhưng mặt khác cũng cân nhắc xem khí tràng đối phương mạnh tới mức nào vì nếu anh ta quá hiền lành mà tôi lại đeo đồng hồ đi gặp thì cũng ngại sẽ làm cho đối phương cảm thấy bị lấn lướt. Còn trong công việc, những lúc đột xuất phải xã giao với các sếp nọ sếp chai thì tôi cũng không lấn cấn gì cả, miễn là tôi đã đeo đồng hồ, tóc không bết và có tô son là đã đủ tự tin.
Lựa chọn đồng hồ kiểu nào và bỏ ra bao nhiêu tiền?
Đây hẳn là chuyện không dễ quyết. Ngân sách cho đồng hồ tùy vào mỗi người – tôi luôn quan niệm không có đắt hay rẻ, chỉ có phù hợp hay không. Nhưng tối thiểu tôi nghĩ cô nên chi ra 1 tháng lương cho khoản đầu tư này, kể cả nếu tháng lương 5.000.000 thì cũng đã đủ để có một chiếc Candino cơ bản. Một tháng lương không phải là quá lố, nếu so với số tiền mỗi phụ nữ chi ra trong cuộc đời cho việc đổi Iphone, vòng tay, nhẫn hay túi hiệu. Trong khi đó, đồng hồ thường là không phải đổi nhiều lần, trừ phi cô có sở thích sưu tập đồng hồ.
Còn về kiểu dáng, một khi cô đã muốn gắn bó với một chiếc đồng hồ trong 5-10 năm, và mục đích lựa chọn là để tạo cảm giác chuyên nghiệp, trang trọng, thì cô không nên chọn những kiểu dáng cầu kỳ/ cách điệu/ hầm hố theo mốt nọ mốt kia, mà hãy chọn những style càng cổ điển, tối giản càng tốt, không lòe loẹt hoa mỹ điệu đà quá thể, mà nên tinh tế ở những chi tiết nhỏ và ở chất liệu – như vậy vừa tránh lỗi mốt vừa dễ phối đồ.
Cụ thể, con số trên mặt đồng hồ nên để font chữ càng đơn giản càng tốt, đừng uốn éo văn vở vì sẽ dễ bị quê và khó phối đồ. Đính đá bên ngoài cũng nên hạn chế vì nếu đá không đủ xịn thì một thời gian ngắn là xước/xỉn, còn đá quá xịn thì lại ngại không thể đeo thường xuyên vì sợ quá phô trương cho những dịp bình thường hoặc sợ mất cắp, rơi đá… nếu đính đá thì chỉ cần 1 – 2 viên nhưng phải là loại tốt và nên đính bên dưới mặt đồng hồ chứ không nên phơi ra ngoài, hoặc không thì có thể thay toàn bộ con số bằng đá (nếu đá đó đủ tốt). Kiểu dây cũng nên tối giản để dễ phối đồ, nhưng phải chọn chất liệu sang trọng một chút, bởi vì con mắt hiểu biết thì nhìn là biết ngay dây đó chất liệu gì, da giả nhìn sẽ rất lộ liễu, nếu không muốn đeo da thật thì hãy đeo dây bằng thép. Một điểm rất quan trọng với tôi là mặt của đồng hồ, nên chọn ít nhất là saphire thay vì kính thông thường, vì cô sẽ đeo nhiều năm, va quệt nhiều, thậm chí làm rơi, nên saphire sẽ cực kỳ hạn chế xước, đồng hồ của cô trông sẽ không bị cũ. Saphire có thể hơi tốn kém một chút, nhưng bù lại chiếc đồng hồ đó sẽ trông mới trong nhiều năm hơn, đỡ phải tốn tiền đổi cái khác. Về màu sắc, đen, bạc, trắng tương đối an toàn, màu vàng kim sẽ kén trang sức và quần áo phối cùng, lại dễ bị dừ, còn những màu lòe loẹt thì nhanh chán và nhanh lỗi thời.
Một điều nên lưu ý nữa là đừng chọn những chiếc đồng hồ mà chỉ phù hợp với một phong cách ăn mặc duy nhất. Điều này thường xảy ra với những cô nàng trung thành với một kiểu phối đồ nào đó, ví dụ như thường xuyên ăn mặc bánh bèo công sở, thường xuyên ăn mặc cool ngầu, thường xuyên ăn mặc thể thao,… Bởi vì sao? Nếu cô đã xác định đeo 5-10 năm, không có gì đảm bảo cô sẽ không thay đổi sang style khác trong chừng đó thời gian. Tin tôi đi, tâm lý phụ nữ sẽ dễ dàng thay đổi lắm, và khả năng thay đổi công việc cũng nên được cân nhắc. Hãy chọn chiếc đồng hồ nào đủ tối giản để có thể phù hợp với mọi phong cách chứ đừng coi nó là một thứ trang sức nhất thời.
2. Giày:
Trong những thứ mặc lên người thì giày là thứ dùng thường xuyên nhất và ảnh hưởng nhiều nhất tới cảm giác thoải mái và thậm chí là tâm trạng nhất thời của một phụ nữ.
Có những đôi bốt mà vừa xỏ chân vào đã làm cô cảm thấy đầy quyền lực và sẵn sàng để gặp bất kỳ ai. Có những đôi giày thể thao mà vừa xỏ chân vào đã khiến cô muốn nhảy chân sáo. Có những đôi guốc mà vừa xỏ chân vào đã khiến cô cảm thấy như một vedette. Tôi thật sự không hề nói quá – chỉ là cô đã từng trải nghiệm những đôi giày như vậy hay chưa mà thôi. Nếu chưa, hãy tìm kiếm trải nghiệm đó, vì nó đủ đặc biệt để khiến cô muốn gắn bó trọn đời và cảm thấy việc mặc cái gì cũng không quá quan trọng.
Vậy thì chọn theo tiêu chí nào?
Ở đây tôi đang không nói đến những đôi giày mà cô mua chỉ để thi thoảng đổi gió. Hãy nghĩ đến việc cô sẽ không cảm thấy chán đôi giày này trong vòng 7-10 năm, khi đó cô sẽ biết mình cần gì.
Điều đầu tiên không thể bỏ qua là sự thoải mái khi đi lại. Dù là kiểu giày gì đi nữa, quan trọng là bước đi êm ái và chắc chắn. Êm ái tới mức đi giày thích như lúc đi chân đất, thậm chí thích hơn. Chắc chắn tới mức cô có thể thoải mái leo cầu thang mà không cần bám tay vào đâu cả.
Điều thứ hai cần cân nhắc là có thể dùng cho nhiều dịp, nhiều kiểu phối đồ – đồng nghĩa với việc không thể chọn một đôi giày quá cầu kỳ lòe loẹt hay hầm hố khác người, mà ngược lại, càng tối giản, càng kinh điển càng tốt. Trắng, đen, nâu, bạc là những màu dễ phối đồ.
Điều thứ ba là bền – cô sẽ không muốn đầu tư vào một đôi giày đi 2 năm đã phải thay. Nếu thật sự xác định bỏ tiền, hãy mua đồ của những hãng có tên tuổi vượt thời gian, để đảm bảo ít nhất là sau 5 năm nó vẫn đẹp như mới và không sợ lỗi mốt. Giày thể thao tôi khá tin tưởng vào Nike và Palladium, bởi họ có loại đế đủ tốt và chất liệu đủ bền. Giày cao gót thì thật sự tôi cũng chưa tìm được hãng nào, vì tôi ít đi loại này. Bốt thì tôi đi nhiều hơn cả, nhưng cũng chưa tìm được hãng nào đủ bền mà có đúng mẫu tôi thích, vậy nên hiện tại tôi đang tạm chấp nhận việc mua đi mua lại cùng một đôi bốt sau mỗi lần nó hỏng. Về độ bền của giày, một điểm quan trọng là nếu cô đi càng thường xuyên, keo gắn đế sẽ càng bền, cho nên nếu cô đi một đôi giày không thường xuyên (kiểu cả năm chỉ đi 2-3 lần) thì cũng đừng chọn loại quá tốt làm gì cả vì nó kiểu gì cũng sẽ hỏng sớm.
Giá bao nhiêu là đủ?
Hiển nhiên giày đi càng thường xuyên thì càng nên bỏ nhiều tiền vào đó hơn là vào những đôi chỉ đi khi muốn đổi gió. Vậy một cách tính toán an toàn và hợp lý là: cô hãy tính tổng số tiền đã bỏ ra để mua tất cả những đôi giày không bền và những đôi ít dùng đến của mình trong suốt 3-5 năm gần nhất, tạm gọi đó là X. Vậy số tiền bỏ ra cho 2-3 đôi giày sẽ đi thường xuyên nhất tối thiểu nên là 3-4 lần X (nếu xét đến quy luật 80-20 (*)). Nếu con số này đã quá lớn so với khả năng thì đồng nghĩa với việc cô đã chi quá nhiều tiền để mua những đôi giày mà bản thân không thực sự thích đến vậy.
(*) Quy luật 80-20 tôi tạm giải thích cho dễ hiểu trong trường hợp này là: Dùng 80% nguồn lực (tiền) để chi cho 20% những thứ hữu ích nhất (dùng thường xuyên nhất), và chỉ chi 20% cho những thứ không quan trọng.
3. Trang phục đi tiệc:
Tiệc tùng (ăn cưới, year end party, tiệc kỷ niệm, network, xem mắt…) không chiếm quá nhiều thời gian trong cuộc sống của hầu hết phụ nữ – nhưng đó lại là tình huống mà cô dễ dàng càn quét radar để tìm được nửa còn lại của đời mình nhất. Tôi đang nói từ góc độ của một người gặp được chồng mình không phải trong một bữa tiệc, vậy nên tôi khẳng định điều này với đầy đủ sự khách quan.
Vì sao tiệc tùng lại quan trọng đến vậy? Bởi mỗi khi đi tiệc, người ta thường có xu hướng bày ra những thứ tốt nhất mình có – từ tài sản đến tính cách. Không ai muốn ăn mặc lôi thôi, nói năng tùy tiện khi tới một bữa tiệc, ai cũng có sự chuẩn bị trước khi đến đó. Như vậy, cô sẽ biết điều tốt nhất mà đối phương có là gì (và họ cũng sẽ biết cái tốt nhất mà cô có là gì, vô hình chung tạo thành ấn tượng đầu tiên của người khác về cô). Còn về những mặt xấu của đối phương thì cô sẽ cần thời gian dài sau đó để từ từ tìm hiểu. Vậy nên hãy nghiêm túc coi tiệc tùng là nơi để cô tạo ấn tượng. Nếu thật sự muốn ăn mặc tùy tiện thì sẽ có nhiều dịp khác phù hợp hơn là khi đi tiệc.
Với mức độ quan trọng như vậy, tôi cho rằng chất lượng nên được ưu tiên hơn số lượng. Đừng ngại nếu cô chỉ có 2-3 bộ mặc đi tiệc. Hãy chỉ ngại nếu bộ đó mặc lên người mà không thấy tự tin. Thực ra tôi có nhiều thứ để mặc đi tiệc nhưng rốt cuộc sau mỗi lần cân nhắc thì tôi cũng chỉ quanh quẩn chọn trong 2-3 bộ tôi thích nhất thôi, vậy nên thực tế là cô cũng chỉ nên đầu tư vào 2-3 bộ cho dịp này, nhưng hãy đầu tư đủ chất lượng. Đừng tiếc tiền mua thứ mình muốn mặc, cũng đừng phí tiền mua những thứ mình không muốn mặc.
Chọn như thế nào? Với quần áo thì khá đơn giản, quan trọng nhất là khi mặc nó lên người, cô cảm thấy thế nào về bản thân. Tối thiểu nó phải khắc phục mọi khuyết điểm mà cô thấy tự ti (ví dụ như béo tay, béo bụng, hông nhỏ, ngực nhỏ, chân vòng kiềng, cổ ngắn, hoặc các vết sẹo, vết bớt quá lớn…), nếu không dù thích mấy thì cô cũng sẽ chẳng mặc tới một dịp quan trọng. Có thể cân nhắc việc may đo nếu cần. Tiêu chí tiếp theo là, nó phải khiến cô cảm thấy đặc biệt – và điều này là khác nhau tùy theo cá tính của mỗi người nên tôi không vẽ ra khuôn mẫu nào cả. Với bản thân tôi, thì bộ đồ tôi sẽ mặc đi tiệc là thứ khiến cho tôi cảm thấy vừa cổ điển lịch thiệp vừa giản dị dễ gần, và tất nhiên, là phải phù hợp với chiếc đồng hồ và đôi bốt của tôi.
Bỏ ra bao nhiêu tiền cũng lại là một chuyện đau đầu, nhưng đừng đợi đến khi cần mua mới nghĩ đến nó – bởi vì đây thật sự là một khoản đầu tư nghiêm túc, hãy quy hoạch nó trước cả khi cô phải dự một bữa tiệc nghiêm túc lần đầu tiên trong đời, như vậy cô sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị tiền. Nếu cô coi tiệc tùng là nơi nâng cấp các mối quan hệ của mình và có thể là nơi cô tìm kiếm bạn đời, thì bỏ ra 2-3 tháng lương cho khoản đầu tư này cũng không hề lãng phí. Nếu không thể sắp xếp được tài chính nhiều như vậy, hãy dồn hết số tiền đó vào 1 bộ đồ thôi, và chọn cái tốt nhất có thể. Nếu bộ đồ đó xứng đáng như vậy thì có mặc đi mặc lại cũng chẳng có gì phải ngại hết. Thà biến nó thành dấu ấn cá nhân (lặp đi lặp lại) của bản thân còn hơn là mỗi lần đi tiệc lại ăn mặc linh tinh. Trường hợp quá bí tiền thì hãy bỏ 500k-1000k để thuê đồ – còn hơn là dùng số tiền đó mua một bộ đồ đi tiệc mà cô không ưng lắm rồi lại ko mặc nó thường xuyên.
Với quần áo, một điều cần nhớ là bao nhiêu tiền không quan trọng bằng việc cô cảm thấy thế nào khi mặc lên người – bởi vì cô cảm nhận thế nào về bản thân thì đối phương cũng sẽ có cảm nhận tương tự như vậy về cô. Vậy nên, nếu cô cực kỳ thích bộ đó nhưng nó không quá đắt, hãy cứ mặc đi, và dành tiền để đặt may thêm 1-2 bộ theo form đó bằng loại vải cao cấp nhất có thể.
Và một điều khác cũng tuyệt đối nên nhớ, đó là hãy chọn bộ nào khiến cô cảm thấy đặc biệt khi mặc chứ không phải là những bộ khiến người khác nghĩ rằng cô đang muốn trở thành trung tâm của bữa tiệc hay cái rốn của vũ trụ. Đồng ý rằng cô đang muốn gây ấn tượng, nhưng nếu để người khác nhận ra điều đó thì sẽ là quá lộ liễu, kém duyên và kém sang. Đồng thời, ăn mặc phô trương như vậy sẽ vô hình chung đẩy người khác ra xa đó vì đâu ai muốn đứng gần chỉ để làm nền cho cô chứ? Ấn tượng thực sự được tạo nên bằng sự tự tin, thoải mái của bản thân thay vì bằng phục sức bề ngoài.
4. Laptop:
Trong vòng 10 năm qua tôi đã đổi 3 lần laptop và từng có những lựa chọn mà về sau hối hận thật sự luôn đó.
Thực ra tôi đã cân nhắc kỹ về việc laptop hay điện thoại mới là thứ cần đầu tư nhiều hơn. Điện thoại đổi thường xuyên hơn vì dễ hỏng hơn và nhanh bị lag khi các hãng liên tục nâng cấp đời mới, buộc chúng ta phải đổi đời khác, còn laptop thì không đến mức đó. Điện thoại với phần lớn con gái chỉ là để chụp ảnh selfie và nghe gọi, ít ai ham game tới mức mua điện thoại chỉ để chơi game, và cũng ít ai dùng điện thoại nhiều hơn để phục vụ công việc chuyên môn. Còn laptop vừa tốn tiền, vừa ít phải đổi hơn, và đa dụng hơn nhiều so với điện thoại. Khi công việc thay đổi, rất hiếm khi kéo theo điện thoại phải thay đổi, nhưng lại dễ khiến cô phải đổi laptop. Ngoài ra, điện thoại nặng hay nhẹ không khiến cho trải nghiệm của cô thay đổi quá nhiều, nhưng laptop thì khác, nếu cô phải mang nó di chuyển thì nhẹ chút nào mừng chút đó.
Vậy lựa chọn laptop như thế nào?
Trước hết hãy xuất phát từ khuynh hướng công việc của cô, bởi chúng ta đang nói đến khoảng thời gian sử dụng từ 5-10 năm nên thay đổi công việc là điều rất dễ xảy ra. Nếu không muốn hễ đổi việc lại phải đổi laptop thì hãy nhìn nhận về mặt xu hướng : cô thường hay chọn kiểu công việc thế nào? Thiên về sáng tạo trí óc/ thiên về tính toán/ thiên về tác vụ văn phòng cơ bản? Nếu xu hướng của cô sẽ khiến cô phải ưu tiên cấu hình tốt thì chắc chắn là đừng bỏ qua tiêu chí này nhé, vì mỗi loại core (i3, i5, i7, i9…) thường chỉ dùng tốt được trong vòng 5 năm thôi và sau đó cô sẽ thấy nó không còn đủ mạnh nữa.
Thứ hai là cô có xu hướng thích giải trí trên laptop thường xuyên hơn là trên điện thoại không? VD xem phim thì hay xem ở đâu hơn? Tôi thích xem trên laptop hơn nhưng lại thường xuyên xem trên điện thoại hơn, bởi vì thói quen – điều đó có nghĩa là tôi sẽ ko coi việc xem phim là ưu tiên khi chọn mua laptop. Tôi thích đọc sách nhưng lại ko đọc sách thường xuyên, vậy nên kiểu gì tôi cũng sẽ mua một cái máy đọc sách riêng và ko cần quan tâm liệu laptop của mình có phù hợp để đọc sách hay không nữa.
Thứ ba là liệu sau này cô có hay di chuyển cùng laptop của mình ko? Nếu ko, hãy ưu tiên những tính năng, độ bền trước, còn nếu có thì không thể bỏ qua vấn đề trọng lượng máy. Tôi đã vì tiếc tiền mà mua máy nặng một lần rồi và sau vài năm khi tôi chuyển sang một công việc hay đi công tác thì tôi đã hối hận xanh ruột luôn, và lúc đó dù vẫn rất tiếc tiền, tôi vẫn phải đổi sang con lap nhẹ hơn.
Thứ tư là độ bền. Chậc, cái này t thấy rất quan trọng vì tôi là đứa hậu đậu sẵn, lại hay quăng quật, và cũng thật sự ko có duyên với đồ điện tử nói chung. Vậy nên vào tay tôi cái gì rồi cũng đến lúc phải bảo hành. Nếu cô cũng như thế, hãy làm một phép tính đơn giản: A x B + C x (1 + D)^y = E, trong đó:
A = số tiền trung bình ước tính phải bỏ ra mỗi lần đi sửa chữa/ bảo hành laptop
B = số lần bảo hành trong 10 năm (may mắn thì 2-3 lần, đen đủi thì 5 lần)
C = số tiền ban đầu bỏ ra để mua máy
D = tỷ lệ lạm phát (tạm coi là 6% thì D= 0.06)
y = số năm – 1 (ví dụ giai đoạn 10 năm thì lạm y = 9)
E = giá trị thực tế mà cô bỏ ra cho cái máy này
Điều đó có nghĩa là gì?
Một là, đừng ưu tiên máy giá rẻ nếu cô đã xác định rằng đằng nào mình cũng sẽ phải sửa nó thường xuyên – trong trường hợp đó hãy mua loại nồi đồng cối đá hiếm khi cần sửa như Dell ấy, vì giá có trội lên một chút cũng không bằng số tiền sau này cô phải bỏ ra để bảo hành nếu mua máy của những brand giá rẻ. Không phải tôi quảng cáo cho Dell đâu, mà tôi thật sự đã dùng mấy đời máy Dell rồi và đã có lúc làm rơi cả cái máy nặng như chì từ trên bàn xuống đất … mà nó ko bị gì luôn ấy =.= Nếu Nokia là chúa bền của điện thoại thì Dell là chúa bền của laptop thật đấy.
Hai là, hãy coi đây là khoản đầu tư nghiêm túc nếu cô không định thay laptop thường xuyên trong 10 năm. Một khi đầu tư thì phải tính tới lạm phát (trượt giá), bởi vì điều đó sẽ quan trọng vô cùng vào thời điểm cô quyết định bán lại máy này để nâng đời.
Nói cho dễ hiểu, hãy tưởng tượng sau 5 năm sử dụng, cô muốn bán lại một chiếc laptop mà mình đã mua mới với giá rẻ nhưng nó lại mất giá nhanh tới mức giờ chỉ có thể bán lại với mức giá bằng 1/3 giá mua ban đầu, trong khi thời điểm này nếu muốn mua mới mẫu đó thì giá cũng chỉ rẻ hơn 30% so với số tiền ban đầu bỏ ra. Điều đó có nghĩa là gì? Không cần phân tích cũng đủ biết cô bị lỗ rất nặng chỉ để dùng một chiếc máy cùi bắp.
Còn trường hợp cô mua 1 chiếc máy 35tr (nghe khá là đau ví rồi), nhưng sau 5 năm, vẫn chiếc máy đó thì mua mới cũng phải mất tầm 30tr còn nếu rao bán lại thì mọi người tranh nhau mua với giá 25tr, thì câu chuyện lại khác hẳn. 25tr tính cả lạm phát sau 5 năm thì cũng thành hơn 31tr, vậy nếu cô để 35tr trượt xuống còn 31tr thì tức là cô gần như chỉ mất 4tr xem như chi phí để sử dụng trong 5 năm, tức là mỗi năm mất chưa đến 1tr để xài một cái laptop ngon mà có khi còn không mất đồng nào để bảo hành. Quá hời rồi! Nhất là hiện tại mua mới chiếc máy đó cũng mất đến 30tr, trong khi tính cả lạm phát thì cho tới nay cô chỉ mới bỏ ra có hơn 31tr, vậy nghĩa là cô đã mua với giá quá không thể nào tốt hơn.
Đó chính là sự khác biệt khi mua của những hãng có độ bền cao và ít xuống giá. Nói cách khác, đây chính là sức mạnh của thương hiệu, là lý do tại sao người giàu mua hàng của những hãng tên tuổi. Nếu đây là một khoản đầu tư đối với cô, hãy tính đến giá trị dài hạn, đừng chỉ nhìn vào con số tạm thời phải bỏ ra, vì đằng nào cô cũng sẽ bán lại nó mà thôi!
5. Khuyên tai:
So với những thứ trên thì khuyên tai nghe có vẻ phù phiếm. Đúng vậy, trừ phi nó có sức mạnh làm thay đổi khuôn mặt của cô!
Con gái thường dễ tự ti một cách vô lý và không cần thiết về khuôn mặt của mình: mặt tôi có quá béo không, quá dài không? Chắc ai cũng có không ít lần soi gương rồi tự hỏi như thế. Và có những cách như sau để khắc phục khuyết điểm này, ví dụ như: thay đổi dáng kẻ lông mày cho phù hợp, phẫu thuật thẩm mỹ, thay đổi kiểu cổ áo, thay đổi kiểu tóc, thay đổi dáng khuyên tai. Nhưng, trong số đó thì phương án nhanh gọn nhất, ít phải suy nghĩ nhất, ít đau đớn nhất, và chỉ cần bỏ tiền ít nhất trong suốt cuộc đời – là thay đổi dáng khuyên tai.
Cô nên thoải mái đeo thử nhiều dáng khuyên tai khác nhau, và cho đến khi phát hiện ra kiểu dáng nào khiến mặt mình trông cân đối hơn hẳn ngay khi vừa đeo lên. Sau đó, hãy đo đạc kỹ càng chiều dài, chiều rộng, ghi nhớ kỹ càng kiểu dáng của loại đó (khuyên rơi hay khuyên vòng hay nụ…, kích thước của từng bộ phận), và chọn mua một đôi tương tự đến 80-90% của một hãng có tên tuổi (Chanel, Dior, Hermes,…) hoặc đơn giản là vác nó ra cửa hàng vàng bạc mà đặt làm một đôi y hệt. Tại sao? Bởi vì cô sẽ đeo nó không biết chán và không cần nghĩ. Một khi đã phù hợp tuyệt đối thì có 10 năm sau vẫn sẽ không chán, trừ phi khuôn mặt cô thay đổi quá rõ ràng. Và ngoài ra, nếu đã định dùng lâu dài như thế thì tội gì không dùng hẳn loại tốt đúng không? Nhất là những loại có thể bán lại khi chán với giá tốt thì càng mừng quá.
Sau hơn 8 năm đeo khuyên tai thì t đã tổng kết ra được 3 dáng cực kỳ phù hợp với mặt tôi, mỗi lần đeo lên đều có người hỏi mượn, hỏi chỗ mua,… nhưng tất nhiên là đã hợp với mặt tôi thì người khác đeo lên sẽ ko thấy hợp bằng rồi. Vậy mới nói là bắt buộc mỗi người phải tự mình thử đủ các loại cho đến khi tìm thấy chân ái. Không ai giống ai và thực ra những quy tắc trên mạng share cũng ko chuẩn đâu các cô ạ.
Tổng kết:
Đọc đến đây, cô có thể bắt đầu tự hỏi tiền ở đâu ra mà mua? Tự hỏi như thế là tốt, vì ít nhất mình bắt đầu có chút ý niệm về việc phải tiết kiệm cho cái gì và phải cố kiếm ra bao nhiêu tiền mới là đủ.
Còn về giải pháp sao? Tôi không khuyến khích cô đi vay nợ hay gì hết, nhưng bản thân tôi thì suy nghĩ rằng, nếu thứ cô định mua là xứng đáng để đầu tư đến vậy (một phần để đảm bảo cô sẽ không bao giờ xài chán, không bao giờ lỗ và không bao giờ lãng phí tiền vào mấy thứ vô ích khác), mà tạm thời chưa đủ tiền ngay, thì cô có thể có 2 cách xử lý:
1 là mượn bố mẹ, và trả từ từ hàng tháng: cô hoàn toàn có thể áng chừng cho bố mẹ biết là với thu nhập và khả năng tiết kiệm của mình thì sau bao lâu có thể trả lại hết. Thậm chí trả cả phần lạm phát luôn nếu như khoản đầu tư này đem lại tỷ lệ lời lãi cao hơn tỷ lệ lạm phát. Bố mẹ nào hiểu biết sẽ đánh giá cô rất cao khi thấy được tư duy chiến lược của cô trong vụ đầu tư nho nhỏ đầu đời này.
2 là vay trả góp. Tất nhiên vẫn với điều kiện là mức độ lời lãi thực sự xứng đáng với số tiền lãi suất + lạm phát phải trả khi vay, và với điều kiện là cô chắc chắn mình có thể lo được tiền để trả nợ đúng hạn (bởi vì nếu trả chậm thì lãi suất có thể sẽ không thua gì vay nặng lãi cả). Vay trả góp là phương án cần tính toán cho kỹ càng: nếu công việc của cô không ổn định và cô không có phương án nào để cấp cứu khi cần (ví dụ lương thì hay về chậm mà lại ko mượn tạm được ai vài hôm để trả nợ cho đúng hạn) thì đừng vay! Tuyệt đối đừng liều lĩnh, hãy thực dụng! Nếu cô chưa xác định chắc chắn mình sẽ đầu tư vào đâu và có được cái gì, thì hãy ưu tiên sự an toàn về mặt tài chính của bản thân trước.
3 là bớt mồm ăn vặt và vĩnh biệt shopee. Nghe thật sự khó mà khả thi đó, nhưng cũng đáng để thử, ít nhất nó sẽ giúp cô hạn chế tăng cân, đỡ tốn tiền tập gym, và tiết kiệm được vài triệu mỗi năm từ những khoản mua sắm lặt vặt không thật sự cần thiết trên shopee đấy!
Chúc mọi người thành công!