Bá Vương Biệt Cơ (1993) cho tới nay vẫn là tác phẩm duy nhất của Trung Quốc đoạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes. Tất nhiên nó cũng là loại phim khó xem, thuộc dạng nặng đô.
Mọi người thường tranh luận về việc đây có phải tác phẩm viết về đề tài đồng tính hay không, mình thì không nghĩ vậy. Bộ phim này hoàn toàn vượt xa khỏi chủ đề đó. Đồng tính hay không đồng tính không phải điều tạo ra giá trị của Bá Vương Biệt Cơ. Cũng đâu phải vì có 1 nụ hôn giữa 2 người đàn ông thì nó sẽ trở thành phim chủ đề đồng tính.
![1471319817-147131897719458-bavuongbietco4[1]](https://ngotay.files.wordpress.com/2018/04/1471319817-147131897719458-bavuongbietco41.jpg?w=500)
Hơn nữa, với mình, sự si mê của Trình Đắc Di không phải là dành cho người bạn diễn Đoàn Tiểu Lâu mà là dành cho vai diễn Bá Vương của anh ta. Hệ quả là Trình Đắc Di vô thức ảo tưởng về nhân cách của Tiểu Lâu rồi hóa si mê. Mình dùng từ “si mê” vì nếu gọi đó là “tình yêu” thì hơi khiên cưỡng. Tình cảm của anh không thể tính là yêu nhưng so với loại “si mê” của Viên tiên sinh thì điên cuồng không kém. Song quan trọng nhất là, so với tình yêu, cảm xúc của Trình Đắc Di dường như vẫn còn thiếu khuyết một chút gì đó.
Khi anh nảy sinh loại tình cảm này, Tiểu Lâu đã thay đổi và anh không bắt kịp được với sự thay đổi đó – anh không còn hiểu rõ con người thật của Tiểu Lâu. Sự gắn kết của Trình Đắc Di đối với hiện thực quá mong manh để anh có thể nhìn nhận, thấu hiểu và yêu bất kỳ ai với tư cách một con người trong hiện thực. Vấn đề này là ở bản thân anh chứ không phải do Tiểu Lâu. Một kẻ không hoàn toàn sống trong hiện thực thì không thể yêu ai đó một cách đúng nghĩa được. Điểm này từa tựa như tâm tính của cô gái trong phim The Dreamers (2002). Họ đều không phân biệt được đâu là thực đâu là mơ, không phân biệt được tình yêu với cảm xúc khác, bởi vì trong thế giới quan hạn hẹp của họ chẳng có gì khác ngoài hình bóng của người đó. Thật giống như ếch ngồi đáy giếng rồi bị giới hạn trong những ảo tưởng của nó về bầu trời, vậy làm sao nó có thể nhìn nhận đúng về bầu trời để đòi có tư cách mà yêu bầu trời?
Sợi dây duy nhất gắn Trình Đắc Di vào đời thực là Diệu Linh. Là người nghệ sĩ đại diện cho trường phái duy mĩ, Trình Đắc Di có xu hướng lãng mạn hóa cuộc đời và sinh ra ảo tưởng về gần như tất cả mọi người, kể cả đám đông. Chỉ riêng với Diệu Linh thì anh không thể làm được như vậy. Cô là hiện thân khách quan của đời thực, chen vào vở kịch trong tâm tưởng của anh, từ đó như một sợi dây kéo anh ra khỏi ảo mộng. Anh không thể sinh ra được ảo tưởng nào về cô gái này, không thể kịch hóa cô ấy trong nhận thức của mình, bởi trong vở kịch duy mĩ đó vốn không có nhân vật nào như vậy cả – Bá Vương và Cơ trong kịch yêu nhau tới khi bị cái chết chia lìa, chứ không phải chia lìa vì một cô gái điếm. Anh sống cả đời trong kịch bản đó nên khi có một yếu tố lạ như Diệu Linh chen vào, không chịu dung nhập vào kịch bản đó, thì mọi thứ trong đầu Trình Đắc Di liền bị rối tung lên.
Diệu Linh không chỉ là yếu tố khách quan, mà còn là yếu tố phức tạp đa chiều – vừa có mặt xấu vừa có mặt tốt, điều không bao giờ có trong các kịch bản duy mĩ. Trình Đắc Di khó có thể hận cô cũng là bởi vậy. Ban đầu khi cô chưa bộc lộ những mặt không tốt, lại có xuất thân là kỹ nữ, thì có vẻ như cô là một nhân vật xấu hẳn, vậy thì người duy mĩ như Đắc Di có thể dễ dàng coi thường và hận cô vì đã phá hỏng vở kịch đời mình. Nhưng dần dà khi cô thể hiện những mặt tốt, thì Đắc Di không thể hận cô nữa, và buộc phải tỉnh mộng. Lúc này đời anh đã phức tạp hơn, anh không thể nào nhìn nó đơn thuần trắng hoặc đen như kịch bản duy mĩ vở diễn Bá Vương Biệt Cơ được nữa.
Nếu không có Diệu Linh mà chỉ có cách mạng văn hóa và những biến đổi thời cuộc, Trình Đắc Di sẽ không bao giờ tỉnh mộng. Lúc ấy anh sẽ hoàn toàn khóa mình vào trong thế giới ảo tưởng để tránh né hiện thực, giống như một kẻ điên. Viễn cảnh này hoàn toàn hợp lý vì bộ mặt điên cuồng u mê này của Đắc Di đã bộc lộ trong không ít cảnh phim. Mặt khác, khuynh hướng điên rồ này không phải là hiếm thấy ở những tâm hồn nghệ sĩ. Phim The Dreamers (2002) cũng thể hiện điều này, nhưng ở một nền văn hóa khác mà thôi.

Quay lại với câu hỏi về chủ đề của phim. Nếu không phải phim đồng tính thì đề tài của phim này là gì? Thật là câu hỏi khó, vì nó đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau, chủ đề nhỏ lồng trong chủ đề lớn. Ở cấp độ cá nhân nó nói về nỗi ám ảnh của con người đối với cái đẹp duy mĩ, với nghệ thuật, với sự phản bội. Sự phản bội và ảo tưởng về cái đẹp duy mĩ dường như tỷ lệ thuận với nhau. Ở cấp độ văn hóa, đây là bài ca vang bóng một thời của kinh kịch, cho ta thấy cái nhìn hoàn toàn khác về loại hình nghệ thuật này – thế nào mới là kinh kịch chân chính, và qua đó phản ánh cả tư tưởng cực đoan của văn hóa Trung Hoa thời xưa. Kinh kịch cũng như ballet, có những yêu cầu khốc liệt quá sức chịu đựng của người bình thường, nhưng bộ phim đã lột tả tác động của nó tới những nghệ sĩ như Trình Đắc Di, tới những người dân tầng lớp thấp kém, “vô học” như Diệu Linh, và tới cả những tầng lớp “có văn hóa cao” như ông thái giám – dường như ai ai cũng bị kinh kịch làm cho ám ảnh. Ở cấp độ xã hội, bộ phim này không thua kém gì một bộ phim tư liệu lịch sử về Trung Hoa với những thăng trầm biến động liên tiếp trong đời sống xã hội và đời sống nghệ thuật, nhất là trong giai đoạn đấu tố, khi tội ác được đội lớp mặt nạ chính nghĩa. Ở cấp độ triết lý, nó gợi lên câu hỏi, nghệ thuật vị cái gì? – vị nghệ thuật hay vị nhân sinh, và ai nắm trong tay sinh mệnh của nghệ thuật? Phải chăng nghệ thuật có thể dễ dàng bị bóp chết trong những thăng trầm thời đại và nó chẳng hề có sức chống chọi nào, dù nó vị nghệ thuật hay vị nhân sinh đi chăng nữa?
![pic-17-1474005493145[1]](https://ngotay.files.wordpress.com/2018/04/pic-17-14740054931451.jpg?w=600)
Chủ đề văn hóa là một trong những giá trị mà mình yêu thích ở Bá Vương Biệt Cơ. Sẽ là một niềm nuối tiếc lớn nếu bạn lướt qua kinh kịch với vài định kiến qua loa khi chưa từng xem bộ phim này. Mình cũng từng như vậy, ngày xưa khi còn trẻ con, nhìn kinh kịch qua phim ảnh, mình chỉ thấy lòe loẹt chua loét, quá lố và khó hiểu. Đây là bộ phim làm thay đổi hoàn toàn quan niệm của mình về kinh kịch nói riêng và văn hóa truyền thống Trung Quốc nói chung. Nó là một màu sắc rất riêng, rất thâm thúy nhưng cũng duy mỹ tới cực đoan. Xem phim này mới chân chính hiểu ra thủ pháp ước lệ là thế nào, mới hiệu nghệ thuật vị nghệ thuật là thế nào, những thứ mà ngày trước bao năm đốt đèn đốt sách vẫn chẳng hiểu hay ho cái gì, vẫn mông lung nhạt nhẽo. “Một nụ cười đem đến cả mùa xuân. Một giọt lệ làm đen tối đất trời.” – người trơ như mình đọc lời này chẳng thấy hay ở đâu, phải xem diễn xuất của Trương Quốc Vinh ở phân cảnh ấy, mới hiểu được cái sự ám ảnh kinh diễm ẩn sau câu chữ đó.
Ngày nay hiếm có bộ phim nào tái hiện lại được sâu sắc cái hồn của một nét văn hóa trong dĩ vãng như vậy, tái hiện cả mặt tốt lẫn mặt xấu, cả bề nổi lẫn chiều sâu của nó một cách khách quan, khiến bản thân nghệ thuật trở nên giống như một nhân vật có hồn bị đặt trong bối cảnh thời đại. Điều này rất đáng trân trọng bởi mỗi nền dân tộc bây giờ đều đối mặt với nguy cơ đánh mất bản sắc của mình, tỷ như Trung Hoa. Chuyện này thể hiện ngay ở trong phim, qua cuộc cách mạng văn hóa. Xã hội vừa biến đổi là những giá trị cũ như kinh kịch thuần mỹ (vị nghệ thuật) liền lập tức bị công chúng gạt bỏ, giày xéo phỉ nhổ đến diệt vong, để nhường chỗ cho giá trị mới – một loại kinh kịch sát với đời sống để cho hợp thời hơn (vị nhân sinh), thậm chí là hợp với mục đích của giới chính trị hơn (thậm chí không thể gọi là vị nhân sinh được nữa). Bản thân người Trung Hoa đi gạt bỏ, đấu tố những giá trị cũ này, trong khi người Nhật lại trân trọng thưởng thức nó biết bao nhiêu, bất chấp sự đối lập lợi ích chính trị của họ với nước bản địa (điều này cũng từng thể hiện trong bộ phim Sắc Giới). Xa hơn nữa là bây giờ, người nước ngoài (như mình) khi xem phim này sẽ trân trọng và ai điếu cho nền kinh kịch cổ điển, nhưng người Trung Hoa liệu có mấy ai như vậy?
Các dân tộc ngày nay không biết cách trân trọng giá trị văn hóa của mình. Ngay ở Việt Nam cũng vậy, giới trẻ mấy ai thèm nghe tuồng chèo, ca trù, nhã nhạc cung đình,… mấy ai hiểu được nó hay ở đâu hay giá trị thế nào? Nhưng thế giới lại công nhận đó là những di sản văn hóa. Sự đồng hóa len lỏi vào khắp mọi xã hội, dưới áp lực vị thế quốc gia và áp lực thương mại. Phim Mỹ ngày càng lồng ghép vào những yếu tố Trung Quốc tạo ra đủ loại bom xịt. Phim Việt bắt chước phim Hàn. Người Việt sính ngoại, ra đường 10 cửa hiệu thì 9 cái đặt tên nước ngoài nghe cho sang chảnh. Xem Bá Vương Biệt Cơ xong mình tự hỏi liệu Việt Nam có loại hình nghệ thuật nào mà nghệ sĩ được luyện ra một cách nghiêm túc và khắc khổ đến như vậy, yêu nghề đến như vậy không? Nếu có thì thật sự rất đáng trân trọng và hy vọng chưa cần phải ai điếu nó.
Quay lại với bộ phim, không khí bao trùm rất ám ảnh, đặt người xem vào trạng thái bất an ngay khi vừa vào phim (mà không rõ vì sao, vì nhạc, vì cảnh, hay vì bối cảnh). Từ cái khoảnh khắc đứa bé bị chặt ngón tay trở đi là mình đã hoàn toàn choáng ngợp tới tận khi phim hết. Nói thực mình khá yếu bóng vía nên lúc đấy mình sợ quá hét lên xong còn run mãi, bị mọi người quay ra nhìn rõ ngại. Ngoài ra, có lẽ sự ám ảnh này còn đến từ câu chuyện diễn xuất.
Diễn xuất của Trương Quốc Vinh trong Bá Vương Biệt Cơ đạt đến trình độ xuất thần. Ánh mắt anh có lúc mê man, có lúc như si như say, có lúc như điên như dại, có lúc lại nửa tỉnh nửa mê. Khoảnh khắc anh diễn tinh tế nhất có lẽ là ở phân cảnh anh đóng vai Ngu Cơ đang uống rượu, với cử chỉ buông chén không thể nào xuất thần hơn.
Còn khoảnh khắc điên dại nhất có lẽ là phân cảnh “một giọt lệ làm đen tối cả đất trời”, bởi lúc ấy Trình Đắc Di nhập diễn tới mức làm cho Đoàn Tiểu Lâu cũng nhập diễn theo, vượt qua rào cản lý trí, thật sự biến thành nhân vật, xúc động như nhân vật, để trao một nụ hôn mà lẽ ra chỉ tồn tại trong kịch bản. Nụ hôn của kẻ hễ mở miệng là lại nói “Đó chỉ là một vở kịch thôi mà”. Ánh mắt lúc ấy của Trình Đắc Di lôi cuốn đến mức chi phối nhận thức thường ngày của bạn diễn.
Nói đến đây lại phải nhắc tới diễn xuất của Trương Phong Nghị (vai Đoàn Tiểu Lâu). Với mình diễn như vậy là chưa tới, quá nông và lép vế so với Trương Quốc Vinh. Mình cũng không rõ là vì muốn giữ vững vai trò “linh hồn bộ phim” của vai Trình Đắc Di mà phải giảm bớt độ nổi bật ấn tượng của vai Tiểu Lâu xuống, hay là vì Trương Phong Nghị vốn dĩ diễn không đạt nữa.
![be1bb8b-the1bb8bt[1]](https://ngotay.files.wordpress.com/2018/04/be1bb8b-the1bb8bt1.png?w=650)
Bàn về Đoàn Tiểu Lâu, đây hẳn phải là một vai đầy biến hóa và có chiều sâu. Sâu không phải về mặt tư tưởng, bởi nhân vật này vốn dĩ suy nghĩ đơn giản. Sâu là ở chỗ trong lòng anh ta có những mâu thuẫn bị kích khởi dưới tác động của những sự kiện ngoại cảnh. Mỗi sự kiện là một dấu mốc trong quá trình biến đổi tâm lý nhân vật này. Ngay từ đầu Đoàn Tiểu Lâu vẫn có nhiệt huyết đam mê với vai diễn, về sau từng bước thoái hóa và trở nên hèn mọn, trần tục, tầm thường. Nhưng từ đầu đến cuối diễn xuất của Trương Phong Nghị không hề biến hóa gì mấy, không làm rõ được sự khác nhau giữa các dấu mốc, mà lúc nào cũng chỉ một màu, lúc nào cũng chỉ diễn ra một anh chàng nông cạn thiển cận với những ham muốn và sự hèn nhát trần tục. Ví dụ, trong cảnh Viên tiên sinh bình luận rằng Tiểu Lâu bước thiếu 2 bước, lẽ ra Tiểu Lâu (lúc bấy giờ mới thành danh sau bao năm khổ luyện) phải có cảm giác tự ái vì người ta bắt bẻ trình độ của anh, coi thường năng lực của anh. Nhưng dưới diễn xuất của Trương Phong Nghị, cảm giác đó liền biến thành sự tự ái của một người nổi tiếng nghĩ mình to nhất quả đất.
Mặt khác cũng không thấy có đoạn nào anh ta diễn tả được cảm giác xúc động của Đoàn Tiểu Lâu đối với kinh kịch, hay cảm giác nhập vai vào Bá Vương, không hề nhìn thấy chất nghệ sĩ của Đoàn Tiểu Lâu, trong khi rõ ràng anh ta là một diễn viên nổi danh nhờ vai này. Nếu hoàn toàn không có cảm xúc gì đặc biệt với vai diễn và với kinh kịch, thì làm sao thổi hồn vào vở kịch, làm sao diễn đủ tốt để nổi danh như vậy? Cảm giác như thể không phải Đoàn Tiểu Lâu diễn Bá Vương thì Đoàn Đại Lâu, Đoàn Trung Lâu vào thay thế cũng chẳng khác gì. Ngay cả ở phân cảnh hôn nhau trong cơn say, là phân cảnh mà Đoàn Tiểu Lâu nhập vai sâu nhất trong đời mình, thì Trương Phong Nghị cũng không diễn tả được cái thần thái say mê nhập diễn của người nghệ sĩ, mà chỉ diễn tả được cảm xúc si dại tầm thường của một kẻ say rượu.
Thêm nữa, Đoàn Tiểu Lâu cũng là nhân vật có nhiều sự giằng xé trong nội tâm. Nhưng Trương Phong Nghị gần như không diễn tả được những mâu thuẫn đó. Chỉ có duy nhất một phân đoạn tạm coi như diễn ra được cảm giác mâu thuẫn này, đó là khi Diệu Linh bất an hỏi Đoàn Tiểu Lâu rằng có phải anh sẽ không bao giờ bỏ rơi cô. Khi đó biểu cảm của Trương Phong Nghị có thể coi là 7/10, chỉ là chưa đủ tinh tế, hơi phô quá. Khi ấy nhìn vào liền thấy rõ anh đang do dự. Nhưng lẽ ra sự do dự này không được thể hiện quá rõ nét trên mặt, mà nó bị nén ở trong lòng mới đúng, vì anh đang cố trấn an vợ mình (và rõ ràng cô vợ có bị lừa).
Tất nhiên đối với phim này, việc diễn xuất đạt hiệu quả cao là khó hơn hẳn so với phim thường, bởi hai nhân vật chính đều bị vẽ kín mặt trong phần lớn thời lượng phim. Trang điểm đậm như thế khiến cho biểu cảm khuôn mặt bị che hết. Phương tiện để biểu lộ cảm xúc chỉ còn ánh mắt và cử chỉ tay chân.
Diễn xuất chưa ổn nhưng nếu nói về kịch bản, thì kết cục như vậy cho Đoàn Tiểu Lâu lại hàm chứa nhiều ý nghĩa. Anh là dạng nghệ sĩ bị giằng kéo giữa 2 thế lực cũ và mới, duy mỹ và duy tân. Chính vị thế lửng lơ này khiến anh phải chấp nhập 1 kết cục cũng nửa nạc nửa mỡ – được sống tiếp nhưng sống hèn, được diễn tiếp nhưng chẳng ai ca tụng.
![sxjfQDr[1]](https://ngotay.files.wordpress.com/2018/04/sxjfqdr1.jpg?w=600)
Một nhân vật rất thú vị khác là Diệu Linh. Sự xuất hiện của cô chính là yếu tố làm rõ rằng đây không phải một bộ phim đồng tính, bởi mọi cảnh đánh ghen khi có mặt Diệu Linh đều tạo một cảm giác rõ ràng rằng Trình Đắc Di ghen tị không phải vì cô là vợ của Tiểu Lâu, mà vì cô làm biến đổi, làm ô nhục hình tượng Bá Vương trong lòng anh mà thôi.
Điều làm mình cảm thấy rất thú vị nhưng ít ai để ý, đó là mối liên kết giữa Diệu Linh và Trình Đắc Di. Thú vị bởi nó rất khó lý giải. Vì sao Trình Đắc Di lại không hận cô, không trách cô thất hứa, lại còn khóc cho cô? Vì sao cô lại không hận Trình Đắc Di (nhất là sau khi bị hại đến sảy thai), lại xúc động khi thấy máu chảy trên khung hình vỡ nát của Trình Đắc Di chụp với chồng mình, lại khóc khi thấy Trần Đắc Di lên cơn nghiện? Vì sao cô lại có thể lo lắng, đồng cảm và thông cảm với Trình Đắc Di hơn cả Đoàn Tiểu Lâu trong khi cô không có giao tình với người này. Cô chẳng phải người làm nghệ thuật hay người hiểu nghệ thuật để mà đứng từ góc độ người trong cuộc và thông cảm cho Đắc Di. Điều này thậm chí còn rất mỉa mai, bởi 1 người nghệ sĩ khổ luyện lâu năm (Đoàn Tiểu Lâu) lại không hiểu người nghệ sĩ và không trân trọng nghệ thuật bằng một nàng gái điếm vô học.
Mối đồng cảm giữa Trình Đắc Di và Diệu Linh từ đâu mà sinh ra? Liệu có phải vì họ là mảnh khuyết của nhau? Trình Đắc Di bị mẹ (cũng là gái lầu xanh) bỏ rơi, thiếu khuyết tình thương của mẹ, còn Diệu Linh thì mất con, thiếu khuyết cảm giác được làm mẹ. Hay vì họ đều mang ảo tưởng về cùng một người và cùng lo sợ bị phản bội? Đều tự lừa dối chính mình, đều tự chấp mê bất ngộ? Liệu hai con cá trong bể cá cảnh có phải là ẩn dụ cho Trình Đắc Di và Diệu Linh, cùng sống tuyệt vọng, mơ hồ u uẩn trong một cái bể vẩn đục nhìn không rõ trắng đen, vừa ôm nỗi hoang mang nghi ngờ vừa cố gắng sống tiếp?
One thought on “Review phim “BÁ VƯƠNG BIỆT CƠ””